THE LEADERSHIP BUILDING CORPORATION

Cân bằng

Trong cuộc sống, sự cân bằng thật hết sức quan trọng. Vì vốn dĩ tạo hoá sinh ra, trật tự của vũ trụ này, đều trên nền tảng cân bằng.

Bên ngoài, từ sơn hà đại địa, hết thảy mỗi thứ mỗi vật, mỗi thành phần (từ đất, nước, lửa, gió, cây cỏ, sông núi, hồ ao…) cái nào cũng có chỗ đứng của chúng. Nếu cái gì thiên lệch quá, thì đều tạo ra một sự mất trật tự. Bên trong con người cũng vậy, từ cơ thể vật lý cho đến tình cảm, tư tưởng, cảm nhận, hiểu biết, ý thức… tất thảy mỗi mỗi đều có vai trò riêng và cũng đều quan trọng cả.

Nhưng trớ trêu thay, chính sự lầm tưởng và sai lệch trong hiểu biết của con người mà thường làm cái trật tự thành ra mất trật tự, chỉ vì đã vô tình hoặc cố ý nghiêng về cái gì đó quá nhiều mà bỏ quên những cái khác.

Hôm vừa rồi tôi có ngồi với một cậu em, ra làm start-up từ một ý tưởng rất tốt đẹp. Công việc thì thế, nhưng tôi thấy phía trong em có cái gì đó u uất. Ngồi trao đổi kỹ thì mới thấy em rất muốn làm điều gì “ý nghĩa và to tát”, và em không chấp nhận được một công việc bình thường. Thậm chí em còn có ý muốn trải nghiệm và để lại cho con trai em một sản phẩm tư tưởng nào đó “ý nghĩa và lớn lao”.
Rồi cứ sống với cái tâm ý thức đó một thời gian, cơ thể em bắt đầu phát bệnh, cuộc sống thiếu niềm vui, công việc không sáng láng vì chưa có một lộ trình triển khai các ý tưởng thành một tổng thể. Với cậu em này, tôi có trao đổi và chia sẻ một câu thần chú “Cân bằng” và một phương pháp điều chỉnh “đối trị”. Nghĩa là cái gì nhiều quá, thái quá, thì mình dùng cái tương phản để đối trị lại, và từ đó sự cân bằng được thiết lập một cách tự nhiên, chứ không phải đi tìm sự cân bằng.

Vì sao vậy? Vì từ bên ngoài nhìn vào, những mảng cuộc sống mật thiết của chúng ta, đều là những nhánh của một bánh xe cân bằng (gia đình, sức khoẻ, sự nghiệp, tài chính, nội tâm, các mối quan hệ, sự cống hiến, sở thích-thú vui).

Bên trong mỗi con người nhìn nhận thì thấy từ cơ thể vật lý cho đến cảm giác cảm xúc, tư tưởng, động cơ, nhận thức hiểu biết cũng vậy, tất cả đều là những yếu tố cấu thành trong một tổng thể. Mỗi thứ đều có chỗ đứng riêng, kết nối với nhau thành chuỗi xích đầy đủ mới làm nên tổng thể con người.

Con người ta, khi chú trọng một thứ quá, mà quên đi những yếu tố khác, thì dám chắc dần dần sẽ trở nên mất cân bằng.

Vì cái gì cũng có vai trò riêng của chúng trong một trật tự tự nhiên, nên chỉ cần chúng ta thuận theo sự vận hành ấy, mà điều chỉnh, cân chỉnh những gì thái quá và bất cập.

Tư tưởng ư? Cũng quan trọng. Cảm xúc ư? Cũng quan trọng. Cho đến cái gì cũng quan trọng. Vì tất cả đều quan trọng mà tất cả cũng đều không quan trọng, nếu như ở thời điểm và hoàn cảnh chúng không thực sự cần thiết cho sự vận hành của trật tự, chúng cần được đưa trở về đúng vị trí, hoặc chúng ta cần buông chúng ra, hay chỉ như thế, thanh thản và thư giãn.

Tiền bạc hay sự nghiệp, sức khoẻ hay nội tâm… mối quan hệ hay phát triển bản thân, đừng xem nhẹ cái gì và cũng đừng đề cao quá một cái gì. Mọi sự cố chấp và cực đoan đều chỉ làm cho bức tranh trở nên bị khiếm khuyết.

Thời buổi này, quả là có quá nhiều bệnh về cả thể chất lẫn tinh thần: Trầm cảm, căng thẳng thần kinh, dạ dày kinh niên không thuốc nào chữa được cũng là do suy nghĩ và lo âu quá nhiều, thiếu mất đi sự cảm nhận, cảm giác và cảm xúc tích cực lâu ngày. Tập trung quá nhiều đến sự nghiệp và xây dựng quan hệ xã hội mà bỏ quên gia đình dẫn đến đổ vỡ đáng tiếc. Hoặc có người lao vào cái hình thức tôn giáo quá sâu, chỉ chú ý đến cái sở thích riêng bản thân và nội tâm của mình mà trở thành mê mờ, cực đoan, phớt lờ sự có mặt của những người thân xung quanh, dần dần rơi vào hố sâu tự kỷ… những thứ lệch lạc ấy đâu có đưa đến hạnh phúc đích thực được? Mà rộng nữa ra, thì cả thế giới cũng đang mất cân bằng nghiêm trọng, như vấn nạn môi trường ô nhiễm, như bệnh dịch, thiên tai là những hệ luỵ của những quá trình phát triển thái quá và đua tranh rất tệ hại.

Nói vậy, nhưng sự cân bằng là phải cân bằng trong sự vận hành, vận động. Giống như những bánh xe phải quay, dòng nước phải trôi chảy, cuộc sống phải lưu thông, tiếp diễn không ngừng thì sự cân bằng mới xảy ra. Cân bằng là cân bằng trong sống động, ở ngay những điều bình dị hàng ngày, do con người chúng ta biết điều chỉnh các cấu thành cho hợp lý hợp tình, chứ không phải là sự cân bằng chết cứng đã đóng sẵn ở đâu đó mà ý muốn con người muốn định đoạt, cầm nắm hay sở hữu được để làm chỗ tâm đắc.

Cân bằng các khía cạnh của cuộc sống;
Cân bằng bên trong và bên ngoài;
Cân bằng những yếu tố cấu thành trong con người của chính mình;

Cũng nhân buổi nói chuyện với cậu em ấy, mà tôi có khuyên rằng, có thể em chỉ cần nhớ đến câu thần chú “Cân bằng”. Nếu nó vẫn chưa xảy ra thì hãy “đối trị” bằng việc sử dụng những cái đối lập để cân chỉnh (nghĩ nhiều quá thì cảm nhận, qua lao động chân tay; đọc nhiều quá thì nên bắt tay làm cái gì đó cụ thể, cảm xúc nhiều quá thì nên hít thở sâu rồi tư duy quán chiếu, nội tâm nhiều quá thì gặp gỡ tương giao, chia sẻ…) . Và xin ghi nhớ một điều, đừng nên thái quá hoặc bất cập điều gì, vì mọi sự cực đoan đều là những thứ gây mất trật tự đó!

Trong cuộc sống, nếu có lúc nào mệt mỏi, buồn phiền, chẳng có niềm vui… hãy một lần buông xuống những cái đang toan tính dở dang kia, mà thử ngắm một cây xanh, chiêm ngưỡng những bông hoa đang nở, hay nghe tiếng chim hót, ngắm núi biển sông hồ, với tấm lòng rỗng rang để tan chảy bớt đi cái khối băng đóng cứng lâu ngày mà hoà vào với vẻ đẹp của thiên nhiên đang không ngừng sống động nhé.

Nguyên
10/8/2020

Select your comment provider from settings.

Bài viết nổi bật

Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo ALB.

  • Tư Đình - Long Biên - Hà Nội
  • contact@alb.vn
  • 0903213558

MENU

  • Về ALB
  • Dịch vụ
  • Bài viết
  • Liên hệ
  • Hỗ trợ

© 2020 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ ALB

PHÁT TRIỂN BỞI NEXWEB